Lịch sử hình thành và kiến trúc của quảng trường Gwanghwamun
Gwanghwamun là quảng trường đẹp nhất ở thủ đô Seoul, nơi có bức tượng của vua Sejong - vị vua thứ tư và được kính trọng nhất của triều đại Joseon, là tác giả của bảng chữ cái Hangeul Hàn Quốc, tượng tướng Lee Sun Shin và đài phun nước tuyệt đẹp.
Gwanghwamun Square được chia làm 6 khu vực chính, tại trung tâm là hai bức tượng vua Sejong và tướng Lee Sun Shin, bên cạnh đó là đài phun nước ma thuật nhiều màu sắc.
Không gian thư giãn giữa lòng thành phố chính là quảng trường Gwanghwamun (Quang Hóa môn) nằm tại ngã tư của đường Sejong, thủ đô Seoul. Từ sau khi khánh thành vào ngày 1/8/2009, bình quân mỗi ngày có tới hơn 50 nghìn người qua lại nơi đây. Với quy mô rộng 34 mét, dài 557 mét, quảng trường đã trở thành một không gian xanh ở trung tâm thành phố, ôm giữ những câu chuyện lịch sử của Seoul. Có thể nói Hàn Quốc có quảng trường Gwanghwamun cũng giống như Pháp có đại lộ Champs-Élysées hay Trung Quốc có quảng trường Thiên An Môn vậy.
Trước khi được xây dựng, quảng trường là trục đường trung tâm với 16 làn đường xe chạy hai chiều. Từ khi quảng trường xuất hiện, chỉ còn lại 10 làn đường để dành chỗ nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân. Điểm nhấn của quảng trường chính là lấy con người làm trung tâm, và chứa đựng ở đó những yếu tố lịch sử. Jang Yoon-hee, chủ nhiệm Khu chuyên trách phát triển đô thị của chính quyền thành phố Seoul cho biết: “Đường Sejong có quảng trường Gwanghwamun là con đường tượng trưng cho đất nước với bề dày lịch sử hơn 600 năm. Thời kỳ vương triều Joseon, con đường này được gọi là đường Yukjo, hay đường của 6 bộ vì nó nằm giữa một bên là Uijeongbu (Nghị Chánh Phủ) cơ quan hành chính tối cao và một bên là Yukjo (Lục Tào), 6 bộ quan thuộc chính quyền trung ương bấy giờ. Mang ý nghĩa là con đường có thần Chu Tước (một linh vật có tượng hình là con chim màu đỏ gần giống Phượng hoàng) bảo hộ cho đất phương Nam, đường Yukjo nằm án ngữ ngay trước hoàng cung, là không gian để vua tôi, quần thần tụ họp. Quảng trường Gwanghwamun hiện nay khôi phục lại không gian lịch sử của đường Yukjo xưa, giữ được cảnh quan nối từ cung Gyeongbok đến núi Bugak của Seoul, tượng trưng cho đất nước Hàn Quốc và thủ đô Seoul với 600 năm lịch sử. Đây là một quảng trường tiêu biểu lấy con người làm trung tâm, cổ vũ cho niềm tự hào của người dân thành phố. Tất nhiên, nó cũng được xây dựng để nâng cao sức cạnh tranh của thành phố và phát triển du lịch.”
Gwanghwamun xây dựng lần đầu vào năm 1395. Nó vốn từng bị cháy trong chiến tranh xâm lược của Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), được trùng tu rồi lại bị tàn phá hư hại trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950, và đến năm 1968 được xây lại nhưng là cửa bằng bê-tông. Phải hơn 250 năm sau thì Gwanghwamun mới được xây dựng lại và chính thức mở cửa đón những đợt khách tới tham quan đầu tiên năm 2010 sau dự án trùng tu trị giá tới 45 tỷ. Trên phần tường đắp đá của Gwanghwamun sẽ có 3 cửa vòm, cửa chính giữa là cửa dành cho vua, và cửa 2 bên là cho các quần thần qua lại. Hướng dẫn viên văn hóa du lịch của Gwanghwamun Park Su-beom giải thích: “Năm 1392, triều Goryeo bị diệt vong, đến thời Joseon, năm 1394, khi chuyển kinh thành về Hanyang (Hán Dương, nay là Seoul), vua mới sai văn thần là Jeong Do-jeon xây thành quách ở đó. Seoul hiện nay vốn có 4 ngọn núi nhỏ. Sau cung Gyeongbok là núi Baegak, bây giờ là gọi là Bugak. Lấy ngọn núi này làm tâm, thì phía Nam có núi Mongmyeon, phía Tây là núi Inwang, phía Đông là núi Naksan. Có tới 18,5 km tường thành được xây quanh ngọn núi này, nên tất nhiên là phải có cửa thành. Cửa chính của cung Gyeongbok là Gwanghwamun. Nói tóm lại, thì Gwanghwamun là trung tâm văn hóa và chính trị của triều đại Joseon.”
Đường Sejong là nơi có quảng trường trước cửa Gwanghwa hiện nay. Vào thời kỳ Joseon, đường này được gọi là "Đường Yukjo (Lục Tào)" có nghĩa là Lục Bộ, hay "Đường Haetae (con Giải Trại)", "Đường Bigak (Gác bia)”. Rồi đến thời Nhật thuộc nó lại được đặt tên theo kiểu Nhật là Gwanghwamuntong (Quang Hóa môn Thông). Từ năm 1946, sau khi Hàn Quốc được giải phóng, đường được đổi tên thành đường Sejong như hiện nay. Đường Yukjo chính là một trung tâm hành chính của thời kỳ Joseon xưa. Hướng dẫn viên Park Su-beom giải thích: “Yukjo là nơi các vị đại thần quan lại giúp đỡ cho công việc chính trị của vua. Vì vậy, ở đây có 6 bộ quan là Ijo (Lại Tào), Hojo (Hộ Tào), Yejo (Lễ Tào), Byeongjo (Binh Tào), Hyeongjo (Hình Tào), Gongjo (Công Tào). Ngoài ra, ở đoạn giữa có Saheonbu (Ti Hiến Phủ), cơ quan bàn luận về chính sự, gìn giữ phong tục, điều tra quan lại, có Saganwon (Ti Gián Viện) cơ quan thảo luận chính sự và can ngăn và chỉ ra những sai lầm của vua. Phía trước bộ quan Ijo (Lại Tào) lại có cơ quan tối cao về hành chính là Uijeongbu (Nghị Chánh Phủ). Bên cạnh đó là Hanseongbu (Hán Thành Phủ), một quan nha lo về tư pháp và hành chính của kinh thành, và Giroso (Kì Lão Sở) nơi bàn bạc của các văn thần nhiều tuổi. Tất cả các cơ quan trọng yếu đều tập trung tại đây và lúc bấy giờ mọi tòa nhà đều chỉ có 1 tầng. Như vậy, đây là địa điểm quan trọng nhất về chính trị lúc bấy giờ.”
Thời kỳ Joseon, phía bên phải cửa Gwanghwa là Uijeongbu (Nghị Chánh Phủ), cơ quan tối cao đại diện cho triều đình phong kiến, phía dưới là một loạt các cơ quan như bộ Lại, bộ Hộ, Hán Thành Phủ, đơn vị hành chính của kinh thành nay là Seoul. Phía bên trái là bộ Lễ, bộ binh, Ti Hiến Phủ, cơ quan bàn về chính sự, điều tra quan lại, Trung Xu Viện, cơ quan lo xuất nhập tiền tệ, vật phẩm và binh khí. Đường Yukjo trước kia, nay được đánh dấu bằng gạch lát vỉa hè đặc biệt trên quảng trường Gwanghwamun còn vị trí các dinh thự, quan nha xưa thì được đặt bằng những phiến đá.
Câu chuyện về vua Sejong
Hai bên quảng trường có hai đường nước chảy rộng chừng 1 mét. Có những hàng chữ được khắc trên nền đá màu đen ở phía dưới đáy, ghi những mốc lịch sử kể từ khi vương triều Joseon được thành lập. Cởi bỏ giày dép, chạm chân xuống dòng nước lịch sử và từ từ cất bước... chúng ta sẽ đến trước bức tượng đồng vua Sejong. Vị vua khoác lớp áo vàng trông sáng chói dưới bầu trời trong xanh. Bức tượng đồng cao 6,2 mét, bề ngang 4,3 mét đặt trên bệ cao 4,2 mét. Sejong là một vị vua tiêu biểu trong 27 vị vua của triều Joseon, người sáng tạo ra chữ Hàn-Hangeul và đóng góp nhiều vào việc xây dựng bản sắc dân tộc. Ông đã phát triển đất nước về các mặt khoa học, văn hóa nghệ thuật và đặt nền tảng vững chắc để triều đại Joseon có thể hưng thịnh được trong hơn 500 năm. Phải chăng vì vậy mà bức tượng đức vua mới có một tay cầm sách, một tay đưa ra hướng về thế gian, thể hiện hình ảnh của một vị quân chủ ôn hòa, luôn lắng nghe nhân dân. Chủ nhiệm Jang Yoon-hee cho biết: “Tượng vua Sejong trông không nghiêm khắc mà toát nên vẻ mềm mại, đưa lại hình ảnh của vị vua am hiểu dân chúng. Đặc biệt tượng vua ở dáng ngồi trên ngai vàng, tay trái cầm cuốn "Huấn dân chính âm" (cuốn sách về sự ra đời của chữ cái tiếng Hàn và cách sử dụng), tay phải nhẹ nhàng đưa lên, biểu hiện tinh thần vua đang bảo ban quần thần phổ cập rộng rãi cuốn sách cho người dân học chữ Hàn. Vì vua qua đời ở tuổi 54, nên tượng thể hiện dung nhan của vua ở tuổi khoảng 45, khi ông đang dồn tâm huyết cho công việc.”
Phía trước tượng vua Sejong là các di vật có liên quan đến vị vua này. Đó là Honcheonui (Hồn thiên nghi), đồng hồ thiên văn đo chuyển động của thiên thể, Cheukugi (Trắc vũ khí), dụng cụ đo lượng mưa, đồng hồ mặt trời và các vật tạo hình về con chữ Hàn được nhà vua sáng chế. Phía sau bức tượng có 6 cột trụ ghi công đức nhà vua và có một cánh cửa nhỏ đang chào đón du khách vào xem. Qua cửa này, xuống tầng hầm thứ 2, chúng ta sẽ thấy một tấm biển đề chữ "Câu chuyện về vua Sejong" giữa các họa tiết hoa văn ngũ sắc sặc sỡ. Đây chính là không gian triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của đức vua.
Triển lãm "Câu chuyện về vua Sejong" gồm 6 gian, cho thấy cuộc đời, quá trình sáng tạo ra chữ Hàn của vua Sejong, cũng như các thành quả khoa học, nghệ thuật do đức vua đem lại. Chuyên viên khoa học nghệ thuật Yoo Bo-eun giải thích: “Địa điểm "Câu chuyện về vua Sejong" giúp người dân có thể dễ dàng hiểu về việc sáng tạo ra chữ Hangeul, một công lao to lớn của vua Sejong. Đây là một vị vua nổi tiếng, đã phát triển được đất nước về nhiều mặt như văn hóa, kinh tế vào giai đoạn nửa đầu thời kỳ Joseon. Khách tham quan có thể trực tiếp trải nghiệm chương trình in lăn kỹ thuật số, sử dụng kỹ thuật số để thực hiện làm sách theo phương pháp truyền thống.”
Vua Sejong được xem là người đã đem lại sự phục hưng của khoa học nghệ thuật thời Joseon. Du khách phát biểu cảm tưởng về vị vua anh minh này: “Rất thú vị! Thật đẹp vì đây là một phần văn hóa của Hàn Quốc. Việc sáng tạo ra chữ Hàn của vua Sejong thật là thần kỳ. Tôi ngạc nhiên vì chữ Hàn đã được bảo tồn, duy trì qua nhiều thời đại đến vậy.”; “Tôi thấy tự hào khi biết bộ tộc Cia-Cia của Indonesia sử dụng chữ Hàn. Tôi được biết thêm nhiều về công lao của vua Sejong. Chuyến tham quan ở đây rất hữu ích. Xem lướt qua thì không biết được, nhưng xem lần lượt từng cống hiến của vua, tôi mới thấy ông thật vĩ đại, có thể tự hào về ông trước mọi quốc gia.”
Câu chuyện về Trung Vũ Công
Sau khi kết thúc triển lãm về vị thánh quân của triều Joseon, đi tiếp theo hướng ngã tư đường Sejong, chúng ta sẽ còn gặp một bức tượng đồng khác nữa. Đó chính là tượng của Đô đốc Trung Vũ Công Yi Sun-shin có dáng vẻ oai nghiêm, lẫm liệt. Hướng dẫn viên Park Su-beom giới thiệu: “Khi Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc năm Nhâm Thìn, 1592, Yi Sun-shin là vị tướng nổi tiếng với 23 trận đánh toàn thắng. Trong trận cuối cùng, trận Hải chiến Noryang, ông đã đánh địch đến cùng chỉ với 12 chiếc thuyền và đã bị trúng tên. Nhưng ngay cả khi đó ông cũng dặn là “Nếu ông chết thì đừng để quân giặc biết”. Qua đời ở tuổi 54, nhưng vị đô đốc này đã có tới 23 trận thắng.”
Trung Vũ Công Yi Sun-shin là danh tướng tài ba, tiêu biểu của thời Joseon. Bức tượng của vị đô đốc hải quân được dựng lên năm 1968. Tượng cao 6,5 mét với hình tướng quân tay phải cầm kiếm, dưới chân là chiếc thuyền rùa Geobukseon. Thời gian trôi đi, và bức tượng có dáng vóc oai nghiêm này đã trấn giữ trung tâm thành phố Seoul được tới 42 năm rồi. Ngay dưới chân tượng hiện là một hệ thống đài phun nước với những tia nước trào lên mát mẻ. Đây là Đài phun nước 12-23, với ý nghĩa của con số 12 chỉ vào 12 chiếc thuyền của Trung Vũ Công Yi Sun-shin đã đánh được 133 chiến thuyền của Nhật trong trận chiến Myeongryang. Còn số 23 tượng trưng cho 23 trận toàn thắng của vị tướng quân.
Đài phun nước gồm có 135 chiếc vòi sủi bọt, phun nước cao 2 mét, là hình tượng hóa của những làn sóng biển và 228 chiếc vòi phun nước thẳng, cao 18 mét. Có 364 đèn chiếu led được lắp đặt ở miệng vòi phun, đem lại sắc màu rực rỡ cho quảng trường Gwanghwamun về đêm.
Gian triển lãm về Trung Vũ Công được xây dựng dưới tầng hầm của Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Sejong. Trên diện tích hơn 2000 mét vuông, vốn là bãi đỗ xe xưa, du khách giờ đã có thể đọc những ghi chép của tướng Yi Sun-shin trong cuốn "Loạn trung nhật ký", cuộc đời và lịch sử các trận thủy chiến trong 7 năm của vị tướng tài ba này. Khu triển lãm "Câu chuyện về Trung Vũ Công" còn có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Chuyên viên khoa học nghệ thuật Yoo Bo-eun cho biết: “Tại khu "Câu chuyện về Trung Vũ Công", trước hết phải kể đến trải nghiệm vũ khí thủy quân. Đây là chương trình trải nghiệm, trực tiếp bắn Thiên Tự Súng Đồng, một vũ khí thủy quân tiêu biểu xưa. Ngoài ra còn có trải nghiệm Gyeokgun, tên gọi của lính chèo thuyền xưa, qua đó, du khách được trực tiếp chèo thuyền. Mọi người cũng có thể vào bên trong thuyền rùa và cũng có chương trình trải nghiệm về viết bút truyền thống dành cho người nước ngoài, cho họ viết tên bằng chữ Hangeul. Tóm lại, ở đây có nhiều chương trình cho du khách nước ngoài tham quan vui vẻ.”
Triển lãm về Trung Vũ Công trở thành một không gian sống động, giúp cho khách tham quan có thể hiểu và cảm nhận được lịch sử. Đặc biệt tại hai điểm triển lãm "Câu chuyện về vua Sejong" và "Câu chuyện về Trung Vũ Công" đều có hệ thống hướng dẫn âm thanh bằng 4 thứ tiếng là tiếng Anh, Nhật, Trung và tiếng Tây Ban Nha. Thời gian mở cửa của 2 địa điểm này là từ 10h30 phút sáng cho đến tận 10h30 phút tối.
Gwanghwamun (Quang Hóa môn) là cửa phía Nam và cũng là cửa chính của cung Gyeongbok. Thời kỳ Joseon, phía ngoài cửa này chính là đường Yukjo một trục trung tâm hành chính, chính trị xưa. Con đường lịch sử mang tên Yukjo chỉ vào 6 bộ quan này, giờ đây đã thay đổi diện mạo, trở thành quảng trường Gwanghwamun. Đây là nơi lưu giữ lịch sử 600 năm của thành phố Seoul và đưa lịch sử này đến với cả thế giới.
Cách di chuyển đến quảng trường Gwanghwamun
Nằm ở ngã ba đường Sejongno về phía bắc, để đi đến quảng trường Gwanghwamun thì thật đơn giản, bạn chỉ cần ra ga Gwanghwamun và đi tàu điện ngầm trên đường số 5, cửa ra số 2, 3, 4, 7, 9 hoặc chọn lựa di chuyển bằng xe buýt số 707, 700 9714, 9709, 9703, M7106, M7111.
Giờ mở cửa và vé tham quan quảng trường Gwanghwamun
Quảng trường Gwanghwamun được mở cửa suốt ngày đêm và miễn phí vé vào cửa đối với tất cả các du khách tham quan. Buổi tối chính là thời điểm tập trung đông đảo du khách lui tới đây nhất vì lúc này những "đài phun nước ma thuật" sẽ hoạt động làm cho không gian nơi đây vô cùng lung linh, bắt mắt.
Quảng trường Gwanghwamun lung linh sắc màu về đêm
Quảng trường Gwanghwamun là điểm du lịch lớn thu hút sự quan tâm của khách bộ hành và du khách với hội chợ từ thiện lớn và các sân khấu biểu diễn ngoài trời. Các du khách có thể vừa mua bán hàng hóa tại chợ và thưởng thức các chương trình biểu diễn truyền thống Hàn Quốc cùng một lúc tại đây. Hãy đến Gwanghwamun và tận hưởng một ngày cuối tuần thật náo nhiệt, vui vẻ.
Các điểm tham quan khác gần quảng trường Gwanghwamun
Quảng trường Gwanghwamun rất gần với nhiều bảo tàng, đền thờ và cung điện khác nhau, nhưng có lẽ nổi bật nhất là cung điện Gyeongbokgung và cung điện Deoksugung - top những cung điện cổ kính, lớn nhất ở Hàn Quốc.