-->

Thư viện hình ảnh

Kinh nghiệm xin visa và lên kế hoạch du lịch châu Âu



Cùng tham khảo những bước dưới đây để có thể xin visa cũng như lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch châu Âu một cách đơn giản nhất nhé.


1. Xin visa châu Âu (khối Schengen)

Phần lớn các nước trong khối Schengen không chấp nhận cấp visa du lịch tự do cho công dân Việt Nam mà cần có giấy mời của người bảo lãnh, ngoại trừ Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha. Vì vậy, nếu muốn xin visa du lịch châu Âu, bạn có thể đến Đại sứ quán hoặc trung tâm tiếp nhận visa của một trong 4 nước này tại Hà Nội hoặc TP HCM. Lưu ý khi làm thủ tục giấy tờ, nếu bạn nộp đơn xin cấp visa ở Đại sứ quán nước nào thì nước đó phải là điểm đến đầu tiên (first destination) trong khối Schengen hoặc là nơi lưu trú dài ngày nhất trong chuyến đi (main destination).

Giấy tờ thủ tục: xem danh sách các giấy tờ cần chuẩn bị ở đây.

Bạn phải có đầy đủ các booking từ máy bay khứ hồi cho tới khách sạn. Nếu đi tàu thì cũng không cần. Phải có lịch trình du lịch rõ ràng.

Gợi ý: Lịch trình du lịch và giấy tờ đặt khách sạn để làm visa có thể làm khác với lịch trình bạn đi nếu muốn xin visa nhanh vì xin được visa là bước quan trọng nhất. 

Lưu ý khi làm lịch trình: bạn xin visa ở đại sứ quán nào thì bạn phải ở nước đó dài ngày nhất và nên chọn đó là điểm đến đầu tiên. 

Để có thể làm bộ hồ sơ xin visa nhanh:

- Bạn nên đặt khách sạn ở booking.com, chọn những khách sạn cho phép hủy đặt phòng miễn phí, chỉ khi nào ở mới tính tiền. 

- Book vé máy bay bạn nên nhờ bên đại lý bán vé để giữ chỗ sau đó hủy vé (nếu bạn thực sự không muốn mua vé đó). Việc hủy có thể tốn phí tuy nhiên không đáng kể so với tiền vé máy bay. 

- Đi lại giữa các nước thì nên đi tàu cho tiện lại đỡ tốn tiền mua vé máy bay nhiều.


Ngoài các giấy tờ cơ bản, lưu ý một số chi tiết càng chu đáo, đầy đủ, cơ hội được cấp Visa sẽ tốt hơn.


Nên xin ở Đại sứ quán nước nào:

Nguyên tắc là các nước Bắc Âu thì khó hơn Nam Âu. Trong các nước Nam Âu thì xin ở Pháp, Tây Ban Nha không có gì khó khăn, trừ việc Tây Ban Nha phải thị thực hóa hộ khẩu và các giấy tờ khác nên mất công hơn. Tuy vậy, nếu xin Tây Ban Nha thì bạn hoàn toàn có thể xin bất kỳ ở đâu, TP HCM và Hà Nội. Với visa Pháp, nơi nộp hồ sơ sẽ phụ thuộc vào nơi cấp hộ chiếu. Nếu hộ chiếu của bạn được cấp ở Hà Nội (dù bạn sống ở TP HCM), bạn vẫn phải nộp hồ sơ visa ở Hà Nội. Hộ chiếu cấp tại các tỉnh thành khác phụ thuộc vào vùng miền. 

Thời gian xét duyệt:

Thông thường là 15 ngày, nhưng cũng có thể lên đến 30 ngày nếu hồ sơ cần được xác minh thêm. Trong vài trường hợp đặc biệt, việc xác minh có thể kéo dài tới 2 tháng. Nếu xin ở Pháp thì phải hẹn trước vài ngày và phải phỏng vấn vài câu đơn giản về lịch trình. Nếu bạn nào cần xin gấp thì nên nhờ đại lý du lịch xin. Có thể lấy visa trong 2 ngày.

Chi phí xin visa: 

- Nếu tự xin thì chi phí là 60 Euro. Được quy đổi ra tiền VND theo tỷ giá quy định bởi Đại sứ quán và có thể thay đổi tùy từng thời điểm.

- Nếu sử dụng agency để xin visa, phí dịch vụ thường là 80 USD/lần, chưa tính phí xin visa châu Âu nói trên.

Lịch trình mẫu bạn xin visa Đại sứ quán Tây Ban Nha bạn có thể tham khảo tại đây.

2. Lên lịch trình

Đây là giai đoạn mất thời gian và công sức rất nhiều, đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng suốt. Công việc bao gồm:

Các nước và thành phố nên đi

Thành phố Copenhagen, Đan Mạch là một trong những điểm đến quyến rũ ở châu Âu. 


Chuyến đi châu Âu nên kéo dài ít nhất 2 tuần và 3 nước. Tuy nhiên nếu đi 5 nước, việc lên kế hoạch lại càng vất vả nên bạn nên cân nhắc trước khi quyết định. Nên đi 3-4 nước trong đó thăm khoảng 5-6 thành phố cho 2 tuần là hợp lý nhất.

Các nước nên đi: châu Âu chia làm 4 phần: Đông, Tây , Nam , Bắc và bộ phận Trung Âu (giao giữa Đông và Tây Âu). Nên đi Nam Âu trước vì vui hơn, biển đẹp và nhiều cái để xem hơn ví dụ như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp. Bắc Âu (Hà Lan, Anh, Thụy Điển) khí hậu khắc nghiệt và mọi thứ đắt đỏ hơn. Tây Âu (Đức, Bỉ, Monaco), Đông Âu thì có Nga.

Tips: bạn nên xem trong những ngày bạn đi có lễ hội nào ở châu Âu nào thú vị hãy đến nước đó. Ví dụ lễ hội bia Oktoberfest ở Munich (20/9-5/10) nên tới Munich một ngày chỉ vì lễ hội đó. Rất vui! 

Lưu ý: Nên sắp xếp đi như thế nào để tiện đi lại giữa các nước gần nhau.

Các thành phố nên đi: Rome, Venice, Paris, Praha, Munich.

Trung Âu thì có thành phố Budapest, Prague (Praha) cũng rất đẹp nhưng hơi buồn. Praha thì cũng rẻ so với các nước khác và tương đương hạng sang ở Việt Nam. Cũng có rất nhiều bạn thích Tây Âu: Luxemburg và Áo (thành phố Vienna). 

Ngoài ra theo Wikipedia thì 6 thành phố mà dân du lịch hay đi ở châu Âu là: Paris, London, Berlin, Rome, Madrid và Prague.

Thời gian nên đi: mùa cao điểm du lịch châu Âu là từ tháng 4 đến 6 rất đông dân châu Á và thời tiết thường khá nóng. Để vào tham quan các điểm du lịch mọi người phải xếp hàng dài. Mình đi tháng 9 nên thấy không đông, đi không phải xếp hàng nhiều (cùng lắm là 30 phút ở nhà thờ St. Peter - Vatican), thời tiết cũng mát mẻ, se se lạnh. Đi vào các tháng mùa đông, mùa xuân thì chắc ít khách vì khá lạnh.

Lịch trình chi tiết ở từng thành phố: bạn có thể tham khảo lonelyplanet.com hoặc thoải mái hơn thì đến đó hỏi tourist point là ra ngay, tiện thể xin luôn một cái bản đồ.

Bạn có thể tham khảo thêm lịch trình chi tiết của mình ở đây (mục Itinerary).

Hoàn thành được hai bước cơ bản này là bạn đã tiến gần tới trời Âu rồi.

Kinh nghiệm du lịch Singapore


Đến với đảo quốc sư tử mùa này, ngoài tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, bạn đừng bỏ qua cơ hội mua sắm thả ga với chương trình giảm giá lớn nhất trong năm. (trích từ VNExpress)



Trải Nghiệm Một Chuyến Đi Úc



1. Lên Lịch trình. 

Thời điểm cho chuyến đi Úc: đi Úc mùa nào cũng đẹp. Úc là đất nước có khí hậu cũng khá ôn hòa, thiên nhiên đẹp đẽ. Không quá lạnh vào mùa đông (chỉ có một vài vùng núi cao ở Úc là có tuyết) và không quá nóng vào mùa hè (trừ mấy thành phố phía Bắc như Darwin, Carn). Thành phố Brisbane nơi chúng tôi đang sống thì khí hậu khá giống Hà nội nhưng dễ chịu hơn. Mùa hè nắng gay gắt nhưng chỉ vào bóng râm là mát dịu rồi, còn mùa đông trời thì cứ nắng se se và lạnh dịu dàng, y hệt những hôm nắng đầu đông ở Hà nội. 

Nếu đi Úc, dịp mùa hè (tháng 12-3) thì tha hồ tắm biển và ngắm các em gái chân dài tới bikini phơi làn da rám nắng trên những bãi biển đẹp mê hồn. Mùa thu (tháng 3-5) thì cảnh lá đổ vàng rực cũng lãng mạn không kém. Mùa đông (tháng 6-9) có thể lên núi tuyết ở gần Sydney. Mùa xuân (tháng 10-12) thì cả thiên nhiên cứ phơi phới. 
Kem chống nắng: Kem chống nắng là cần thiết. Các nhà khoa học nói là ở ngay trên bầu khí quyển của Úc, đặc biệt là bang Queensland, có một lỗ thủng tầng Ozon, nên ánh nắng ở Úc nhiều tia tử ngoại. Bang này cũng có cái slogan là “Sunshine state“. Do vậy, tỉ lệ mắc ung thư da ở Úc là rất cao, vậy nên dùng kem là quan trọng. Thường thì ra ngoài trời là đã bôi kem chống nắng rồi. Bọn trẻ con, cứ ra khỏi nhà là bôi kem. Riêng mình thì nghi là các “nhà khoa học“ ở đây hầu hết để là tay trong của mấy hãng sản xuất kem chống nắng! Thật đấy, nếu vào mua kem chống nắng thì không phải nó bán cái tuýp 50 – hoặc cùng lắm là 250 ml như ở mình, ở Kmart nó bán cái can đựng kem chống nắng 2 lít. 

Nhưng lưu ý tránh dịp ngày nghỉ giữa kỳ của học sinh (đến ngày này là cha mẹ con cái kéo nhau đi chơi khắp nơi nên giá cả cũng tăng hơn) – để biết những ngày này, mọi người hỏi hộ anh Google với từ khóa School holidays ( và mỗi bang cũng lệch nhau chút xíu ) 

Thật ra, nói là chọn thời điểm thích hợp cho hoành tráng – chứ thật ra, chúng tôi chọn thời điểm mà Air Asia khuyến mãi, giá thấp nhất. Không may, thời điểm chọn lại trùng với dịp lễ Phục sinh – là dịp nghỉ lễ quan trọng thứ hai, sau lễ Giáng sinh – do vậy, mọi thứ đều bị đắt đỏ hơn, và cũng khá khó kiếm nơi ở.

Chúng tôi chọn lịch trình đi qua các điểm sau: 

Sydney và phụ cận (khu vực Blue Mountain): 3 ngày

Albury (nằm giữa Sydney và Melbourne) – được giới thiệu là một thành phố “Úc hơn cả Sydney hay Melbourne “. Từ đây cũng có thể đi chơi khu vực Snowy Mountain – nếu có tuyết. Và hơn cả là được đến thăm và ở lại nhà gia đình một người bạn Úc: 3 ngày 

Melbourne và Great Ocean road: 3 ngày

Brisbane và Gold Coast: 3-5 ngày - dĩ nhiên là Gold Coast vì mua vé máy bay của Air Asia tới thành phố này – và ngoài ra, dù ít du khách Việt nam biết – nhưng Gold Coast là thành phố du lịch quan trọng thứ 3 của Úc, với du khách hàng năm là khoảng 10 triệu. Và lúc đặt vé từ 10/2011 thì AA (AA viết tắt ở đây là Air Asia nhé, không các bạn tra nhầm là American Airline) chưa bay tới Sydney.

2. Máy bay đi Úc:

Vé máy bay muôn thuở là khoản chi khó chịu nhất của anh em ta. Hầu hết hết với các chuyến đi xa, nó xơi gọn ít nhất là một nửa số tiền ta có. Bay chặng dài như Úc (Từ HN bay đến Úc mất khoảng 13 tiếng bay), số tiền trên càng khủng. Nhưng may quá, đi Úc hiện tại có nhiều lựa chọn giá rẻ so với các loại máy bay đắt như trên trời khác. (khác với đi Mỹ và đi châu Âu, khó có thể kiếm ra hàng không giá rẻ ! – À, có AA cũng bay Kul – London) 

Việt nam – Úc: bay bằng Air Asia, transit ở KL. Vé máy bay mua được khá rẻ (người mua rẻ nhất chỉ 400 USD khứ hồi, còn đắt hơn là hơn 500 khứ hồi + khoảng 30 USD cho 20 kg hành lý xách tay ). Từ KL, hiện tại Air Asia bay tới 4 thành phố quan trọng của Úc: Sydney, Melbourne, Gold Coast ( cách Brisbane 100 km ) – và là một trong các điểm du lịch quan trọng nhất của Úc và Perth ( thành phố cửa ngõ của ngành công nghiệp mỏ , nằm ở phía Tây.

AA thường có lý do rất hợp lý và dễ thương (như các kiểu ngày kỷ niệm, ngày lễ … mà các bạn AA này lắm ngày lễ cực – cứ như là các bạn ấy tổ chức sinh nhật cho mọi người có tên bắt đầu bằng chữ A) để hàng năm tung ra các chương trình khuyến mãi khoản 3-4 lần. Khác với mấy cái vé rẻ bay nội địa Việt nam, rất dễ để mua được vé rẻ trong những đợt này ( mà nhiều bạn đã mua được ): Ngay khi có chương trình khuyến mãi ( thường chỉ mở bán trong vòng 2-3 ngày và bán trước chuyến đi từ 6-9 tháng), các bạn đừng suy nghĩ gì về kế hoạch công việc hay visa gì cả, đặt chỗ mua luôn trong những giờ đầu tiên của ngày mở bán, sau đó sẽ cố sắp xếp mọi việc theo kế hoạch đó. ¬

Vé từ VN đi Úc sẽ có 2 chặng: HN – Kul và Kul – Úc (một trong bốn thành phố kể trên). Không phải lúc nào cũng promotion cho cả hai chặng trên. Do vậy, hãy ưu tiên mua chặng Kul – Úc trước – sau đó khi nào có promotion HN – Kul thì ta lại mua tiếp. AA đã có FLY-THROUGH tức là có thể đặt thẳng từ HN đi Úc - nhưng khi đặt vé dạng này thì hiếm lúc kiếm được vé rẻ hẳn.

Nhờ đặt vé theo cách trên, chúng tôi đã đặt được vé khứ hồi đi Úc giá chỉ có 400 USD (đặt từ tháng 10 năm ngoái 2011). Từ HN qua Kul (9h30) phải chờ khoảng 7 tiếng mới tới chuyến tiếp đi Úc (20h30) – đến Úc sáng sớm tinh mơ hôm sau.

Bay đến Úc còn có các hãng giá rẻ khác là Jetstar và Tigerairways. Jetstar bay từ Sing qua Melbourne, cũng là lựa chọn tốt nhưng không nhiều promotion bằng AA. Tiger thì bay đến Sing – Perth –Melbourne. Từ Mel mới có bay tiếp các thành phố lớn, do vậy cũng lỉnh kỉnh chuyện đi lại, nên cũng không phải là một lựa chọn hay.

Mới đây, tháng 6/2012, Scoot airline, ( Flyscoot.com ), hàng không giá rẻ mới của Singapore Airlines cũng mở đường bay đi Gold Cost, thêm một lựa chọn nữa cho anh em ta. Bọn này mới mở chặng bay tới Úc khuyến mãi từ Sing là 99 đô / lượt. Khuyến mãi cũng khá thường xuyên vào các mùa thấp điểm, còn cao điểm của Úc là tháng 12, tháng 1, khi đó giá vé máy bay khứ hồi đi Úc có thể tới gấp đôi so với mùa thấp điểm.

Bay nội địa Úc:

Úc có nhiều hãng, tạm thời chúng tôi chọn các hãng sau: Tiger Airways ( rẻ nhất trên các chặng Gold Cost / Brisbane- Melbourne, Sydney – Melbourne – mới mở thêm chặng Sydney bay đi Gold Coast – khuyến mãi có 19 AUD) và Jetstar ( chặng Sydney – Gold Coast / Brisbane ). Giá trung bình các chặng này từ 40-80 AUD. Chú ý là thường vé ngày thứ 6 và chủ nhật đắt hơn – thậm chí tới gấp đôi vì bà con hay đi chơi dịp cuối tuần. Rẻ nhất thường là thứ 3, 4, 5. Giá mỗi chặng có khi chỉ khoảng 40 AUD, chặng xa như Gold Coast – Brisbane chỉ chừng 69 AUD. Đặt trước ít nhất là 2 tuần thì có được vé rẻ.

Có một nhiều hãng giá rẻ khác nữa như Virgin airline và một số hãng chỉ bay ở trong một bang. Nhưng nói chung, đi mấy thành phố chính thì Tiger là rẻ nhất, dù không nhiều chuyến như Jetstar. Tóm lại là, từ Gold coast , có thể bay đi các thành phố chính yếu nhất của Úc, giá cũng khá rẻ.

Cũng lưu ý là khi đặt vé bay rẻ ở Úc thì cố tính toán và đặt hành lý online luôn. Nếu ra sân bay mà mua thêm hành lý thì giá sẽ là 25 AUD / kg. Dã man không? Hành lý xách tay của các hãng bay nội địa thường là 10 kg, nhưng nếu có mẹo một tí có thể xách tới 15 kg cũng ok: thường chỉ khi checkin thì nhân viên đòi kiểm tra hành lý, chứ ở cửa vào sân bay hay lên máy bay thì chả mấy chú hỏi xem mình mang quá mấy cân, nên nếu đi có vài ba người thì cứ tách nhau ra để làm checkin và cầm đồ hộ nhau, thế là OK.

3. Thuê xe ô tô

Các chặng không bay thì chúng tôi thuê xe ô tô. Thuê ô tô tự lái, nhất là khi ta có một nhóm, chắc chắn là phương thức đi lại rẻ nhất ở Úc, rẻ hơn hẳn so với bất kỳ phương tiện đi lại nào. Nhưng khác với Việt nam một chút: ô tô ở Úc phổ biến là loại xe 5 chỗ, giá cũng rẻ nhất. Như ở Việt nam ta thì thuê xe 7 chỗ hay 5 chỗ giá cũng gần như nhau, thuê béng xe 7 chỗ cho rộng rãi. Còn ở Úc, thuê xe 8 chỗ giá có khi gấp đôi so với 5 chỗ, mà cũng không sẵn xe. Nói thêm, là các phương tiện công cộng ở Úc là khá đắt. Ví như một cái vé chạy 1 ngày ở Sydney là 21 AUD, đi tất cả mọi phương tiện. Không chỉ đắt, đi bằng bus, tàu điện ngầm… sẽ không đến được những chỗ cảnh quan đặc trưng của Úc như các nông trại, vào rừng, vào các vườn quốc gia. Do vậy nếu phải bỏ thời gian để có thể làm quen và lái xe được thì bạn cũng đừng tiếc nhé. Hơn nữa, nếu đã lái một lần ở Úc được, thì bạn sẽ có thể lái hầu như khắp thế giới, vậy tội gì không thử nhỉ?

Có rất nhiều hãng cho thuê xe, từ những hãng lớn như Budget, Hertz, Avis…. cho đến các hãng địa phương mà mỗi thành phố đều có. Giá cho thuê xe của hãng lớn thì thường đắt hơn chút, nhưng xe cộ sẵn hơn, xe cũng mới, có ở khắp nơi, cũng không giới hạn phạm vi chạy xe. Xe của các hãng địa phương thì rẻ, đôi khi rất rẻ nếu bạn thuê xe đời cũ, nhược điểm của các hãng này là có khi họ giới hạn số km / ngày như 100 km, hoặc giới hạn phạm vi được chạy ( chạy trong khu vực địa lý nào đó, hoặc không được chạy vào một số đường offroad ). Ngoài ra, khi giao nhận xe họ cũng soi kỹ hơn đối với các xây xước trên xe. Còn các hãng lớn thì nhân viên nhiều lúc cũng làm việc phiên phiến, đằng nào cũng xe của hãng mà.

Khi thuê xe, bạn chỉ cần có thẻ Credit (visa, master..), bằng lái xe và đăng ký trên web. Tôi đã chạy xe của nhiều hãng như Hertz, Avis, Budget… nhưng trong chuyến này, chúng tôi chọn Avis vì các lý do giá khá rẻ, nhiều điểm lấy và trả xe, nhận xe ở Sydney và trả xe ở Melbourne không bị tính phí, khi đặt xe thì không bị trừ tiền ngay mà khi nhận xe mới phải trả tiền. Mẹo nhỏ là đừng vào trang của Avis.com.au mà vào trang Jetstar.com.au rồi mới click vào mục “ car “ – nó sẽ cho mình chọn Avis hoặc Budget – đồng thời sẽ được giảm giá so với book trực tiếp qua Avis. Ngoài ra, có rất nhiều mẹo lặt vặt khác như Avis đang có promotion (như mua 6 ngày tặng 1 ngày). Vậy nên bạn cần đặt đúng 7 ngày (24 giờ - theo giờ hệ thống trên máy tính – tính từ lúc nhận xe đến lúc trả xe ) để được hưởng giá 6 ngày đã. Còn việc lấy / trả xe thực tế có thể xê xích cả buổi cũng chả sao.

Giá xe thường chỉ bao gồm bảo hiểm cơ bản (thường với các hư hại nhỏ hơn 3000 AUD thì mình phải tự trả). Nếu bạn tự tin với tay lái của mình hoặc nếu bạn đã mua bảo hiểm du lịch cả gói thì chỉ cần mua giá không có bảo hiểm – bảo hiểm này sẽ làm phí thuê xe có khi tăng gấp đôi – Vậy nên, nếu muốn đi rẻ thì bạn phải có tiền (nghe nghịch lý nhỉ? vì muốn rẻ để tiết kiệm tiền lại bảo mình phải có tiền) Cũng dễ hiểu – đi rẻ bạn phải chọn các dịch vụ giá rẻ, và khi có rủi ro thì bạn phải sẵn tiền để xử lý các rủi ro đó. Nhưng đừng lo, bạn có thể mua một gói bảo hiểm du lịch ở mức cao, nó chi trả cho những rủi ro như mất đồ, lỡ chuyến bay, thuê xe mà làm hỏng hóc… gói này, có khi lên đến 100 USD cho chuyến đi của bạn.



Chia Sẻ Kinh Nghiệm Xin Visa Úc



Sau đây là chia sẽ của một khách hàng đã từng đi nhiều nước và vài mẹo xin visa Úc

1. Chuẩn bị mọi thứ giấy tờ một cách rõ ràng và ... sạch đẹp, bằng tiếng Anh.

2. Phải có booking vé máy bay. Nhiều bạn lơ là vụ này (nghĩ là biết nó có cho mình visa ko mà book?). Sai lầm nhé. Bạn cứ gọi một đại lý VN AIR, book vé bay (chưa trả tiền nhé), rồi in ra bỏ vào hồ sơ. Như mình nà, sau khi đc visa rồi thì mặc kệ cái booking của VN AIR kia, lụi cụi đi book vé giá rẻ của Jet Star và Tiger Air.

3. Travel plan: Cực kỳ quan trọng. Dù trong danh sách yêu cầu không có nhưng đây là thứ chứng minh bạn đang lên kế hoạch đi du lịch thật sự. Mình đã làm một cái travel plan chi tiết trong 2 tuần, mỗi ngày làm gì, đi đâu,... Như kiểu các tour du lịch nó làm tour để khách xem vậy đó. 

DAY 1: Visit A, B, C place,.... 
Stay in hostel: (kèm 1 cái link hostel mình định book)
.... 

DAY 2: .... 
... 

Cứ như vậy, càng details càng tốt. 

4. Bảo hiểm du lịch: Cũng là một thứ mà rất dễ ... bỏ qua, nhưng nó lại là một minh chứng cho ý định đi du lịch của bạn. Có điều bảo hiểm du lịch thì bạn phải trả tiền để mua bảo hiểm (mình trả gần 1tr cho 2 người, bảo hiểm đi Úc 2 tuần). Trong trường hợp visa bị từ chối, bạn sẽ được claim lại toàn bộ tiền bảo hiểm.

5. Còn những yêu cầu trong danh sách của LSQ thì cố gắng thực hiện càng "hoành tráng" càng tốt. Tỷ như tài sản, nhà cửa, xe cộ, đất đai, tiền gửi ngân hàng... Có được bao nhiêu cứ bỏ hết vào cho nó ... máu

Mỗi thời điểm, LSQ có một "QUOTA" khác nhau về hồ sơ xin visa đi Úc. Mình xin visa đi vào mùa thu, quá trời hồ sơ nộp, nên khả năng bị loại cũng cao hơn.

Àh còn 1 note nữa, để mình nói nốt. Đó là nếu 2 vợ chồng cùng nộp hồ sơ với nhau thì có những thứ chỉ cần 1 bản duy nhất. Ví dụ, sổ đỏ, đăng ký kết hôn, giấy tờ nhà đất, tài sản,... Cái gì mà là "của chung" thì cứ làm 1 bản duy nhất thôi. Tới khi nộp hồ sơ nó cũng gộp chung vào làm một. Đỡ tốn 1/2 tiền dịch thuật đấy!