Myanmar là một điểm đến cực kỳ thú vị đối với những ai yêu thích du lịch khám phá bởi lẽ đất nước này vẫn còn hoang sơ.
Đất nước của đạo Phật
Myanmar khác với Thái Lan và Campuchia vì không có tour du lịch giá rẻ, không có nhiều điểm vui chơi, giải trí đa dạng, do đó Myanmar chưa phải là điểm đến của nhiều du khách Việt Nam.
Chúng tôi đến sân bay quốc tế Yangon khi thành phố đã lên đèn. Thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh tại sân bay quốc tế Yangon khá nhanh chóng.
Đường phố Yangon khá nhộn nhịp và gây tò mò cho những du khách đến từ Việt Nam. Tại Yangon, xe gắn máy không được phép lưu thông và xe ô tô tay lái nghịch nhưng lại đi bên phải giống như ở Việt Nam. Mấy ngày đi lại ở Yangon ít thấy kẹt xe cũng như rất hiếm gặp cảnh sát giao thông.
Yangon còn giữ nguyên lối kiến trúc từ thời thuộc địa Anh nên nhà cửa, biệt thự trông khá cũ kỹ, có lẽ do ít được đầu tư sửa chữa. Yangon không thơ mộng và lãng mạn như các thành phố du lịch khác, nhưng nét bình dị trên đường phố phần nào mang đến sự thân thiện cho mọi du khách.
Gác lại mọi vất vả sau hành trình kéo dài qua 2 chặng bay chúng tôi đã kịp đến viếng ngôi chùa Vàng nổi tiếng ở Yangon, có tên gọi là Shwedagon, xây dựng cách nay trên 2500 năm, được xem là ngôi chùa lộng lẫy và cổ kính nhất thế giới.
Một góc chùa Vàng.
Về đêm, khung cảnh chùa Vàng thêm rực rỡ với ánh sáng tỏa rộng từ tháp vàng và lung linh, huyền ảo giữa một không gian thanh tịnh. Mọi ưu tư, phiền muộn giữa đời thường như nhẹ nhàng tan biến khi vào viếng ngôi chùa Vàng linh thiêng này.
Chùa Vàng Shwedagon là biểu tượng chính của Yangon, nơi luu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca cùng với bộ cà sa, cây gậy của các vị Phật và 3 bộ tạng kinh. Được khởi công xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 6 và trải qua các thời kỳ khác nhau, đến thế kỷ thứ 15, chùa Shwedagon chính thức trở thành ngôi chùa hoành tráng nhất ở Myanmar với khoảng 80 tấn vàng được dát lên quanh tháp vàng sau nhiều thập niên.
Đường phố Yangon nhìn từ trên cao
Thức dậy từ sáng sớm, chúng tôi đã nghe tiếng chim hót líu lo trên các hàng cây xanh ven đường, âm thanh rộn rã này như đem đến cuộc sống tươi vui giữa khung cảnh thanh bình, yên ả. Lúc này là tháng 2, thời tiết còn mát dịu nên vào đầu buổi sáng Yangon chìm ngập trong sương mù bao phủ. Thói quen sinh hoạt của người dân Yangon là thức dậy muộn. Công sở chỉ bắt đầu hoạt động từ sau 9 giờ sáng cho nên đã hơn 7 giờ sáng nhưng đường phố vẫn còn vắng vẻ.
Ngồi uống cà phê ở tầng 20 tòa nhà Sky Bistro trên đường Bogyoke Aung San, chúng tôi nhìn bao quát một phần thành phố Yangon và thấy nổi bật những ngọn tháp vàng từ các ngôi chùa lớn. Myanmar có đến hàng ngàn ngôi chùa, đền xây dựng từ thế kỷ thứ 6 và được tôn tạo, giữ gìn cho đến ngày nay. Đặc trưng chung của các ngôi chùa tại xứ sở này là đều có đỉnh tháp vàng được dát bằng vàng lá, trong đó có phần cúng dường của người dân trong nước. Myanmar cũng được xem là đất Phật vì cả nước có khoảng 90% dân số theo đạo Phật.
Chùa Vàng- Shwedagon, một ngôi chùa nổi tiếng ở Yangon.
Chúng tôi viếng chùa Botahtaung đúng vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Bo có nghĩa là quân đội, tahtaung là số đếm 1000 của Myanmar. Xá lợi Phật được lưu giữ ở ngôi chùa này là do 1000 quân lính Myanmar đứng ra làm lễ tiếp đón. Nhiều người dân đến chùa liền bước vào bên trong, lần lượt xếp hàng gần vị trí thờ xá lợi Phật để cầu khấn một cách thành kính.
Gần trung tâm Yangon là chùa Sule, ngôi chùa có hơn 2500 năm đang lưu giữ xá lợi tóc Phật. Chùa Sule được người dân địa phương xem là nơi trấn yểm, bảo vệ sự an lành cho ngõ vào thành phố Yangon. Khi chúng tôi đến viếng chùa Sule đã thấy đông đảo Phật tử đến hành lễ, một số người nghiêm trang ngồi thiền hoặc đọc kinh trước các tượng Phật chung quanh bốn mặt chùa.
Thành phố cổ Bagan
Thành phố cổ Bagan, cách Yangon khoảng 600km. Xe bus từ Yangon về Bagan ghế ngồi sang trọng và rộng rãi không thua gì máy bay. Nhân viên phục vụ trên xe lịch sự và chu đáo. Xe ghé trạm dừng chân trên đường, có đến vài trăm đầu xe vào trạm để khách nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ, nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự và vệ sinh, phong cách phục vụ ở đây hơn hẳn nước ta.
Một vài ngôi đền cổ xưa ở Bagan.
Bagan khá êm đềm, lặng lẽ, nhiệt độ bên ngoài khoảng 17 độ C. Giữa khung cảnh thanh vắng của buổi sáng tinh mơ, chợt nghe tiếng xe ngựa lóc cóc trên đường thật vui tai. Trên con đường nhỏ vừa đủ cho một làn xe hơi chạy, vài du khách “tây ba lô” đang rảo bước. Có lẽ, họ đi ngắm bình minh ở Bagan, một trải nghiệm thú vị mà du khách quốc tế đến Bagan đều không thể bỏ qua.
Theo lịch sử, Bagan có khoảng 4000 ngôi chùa cổ, nhưng hiện tại ước chừng còn khoảng 3000 ngôi chùa và đền, trong đó có những ngôi chùa độc đáo và đẹp nhất Myanmar. Thời tiết ở Myanmar khá lạ lùng, sáng sớm là 17 độ C, nhưng đến gần trưa, nhiệt độ lại lên cao khoảng 36 độ C.
Chúng tôi là những du khách đầu tiên trong ngày đến viếng đền Gawdaw Palin, ngôi đền trông quá cổ xưa và khá hoang vắng, được xem là một trong số các di sản văn hóa của Bagan.
Những con đường đầy bụi đỏ và ánh nắng chói chang dường như không làm nản lòng các du khách phương Tây khi họ được đạp xe rong ruổi khám phá vùng đất cổ xưa cùng những di tích đền đài quanh Bagan. Du khách còn có thể tận hưởng niềm vui khám phá của mình bằng xe ngựa, một phương tiện khá phổ biến ở thành phố cổ du lịch này.
Chùa Ananda (Bagan) là điểm tham quan thu hút nhiều du khách quốc tế.
Đến Bagan, du khách không thể bỏ qua điểm tham quan chùa Shwezigon được xây dựng từ thế kỉ XI, là ngôi chùa Vàng đầu tiên của Bagan. Nếu như Shwezigon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Bagan thì chùa Ananda là ngôi chùa đẹp nhất Bagan, được xây dựng từ năm 1105 và hầu như vẫn giữ gìn được nguyên bản. Trong chùa có 4 tượng phật đứng khổng lồ bằng gỗ, cao hơn 9m được dát vàng lá. Anh chàng hướng dẫn viên địa phương tên là Aung dắt tay chúng tôi đi quanh 4 tượng Phật và giải thích về điểm đặc biệt ở ngôi chùa này, đó là nếu đứng ở các vị trí khác nhau thì mỗi gương mặt Phật có những nét biểu cảm khác nhau, từ tươi cười tới nghiêm nghị, trầm tư.
Không có thú vị và hấp dẫn nào bằng khi được ngắm hoàng hôn ở thành phố cổ Bagan trên một ngôi đền lớn. Vé vào đền Pyat That Gyl không rẻ chút nào, 15 đô la Mỹ cho một người vào tham quan. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy nhiều du khách quốc tế có mặt từ trước và trên tay ai nấy đều sẵn sàng máy ảnh để ghi lại hình ảnh đẹp của thành phố cổ Bagan vào lúc chiều tà.
Khách du lịch phương tây ghi lại cảnh hoàng hôn ở Bagan. Ảnh: Vân Anh
Hồ Inle hoang sơ và trong lànhHồ Inle nằm ở miền trung Myanmar. Để vào được hồ Inle, tất cả du khách nước ngoài đều phải mua vé vào cổng giá 10 đô la Mỹ/người, đây là phí bảo vệ môi trường bắt buộc.
Người dân địa phương ví von hồ Inle là “ biển xanh vùng đồi núi của bang Shan”. Inle là hồ nước ngọt lớn thứ nhì ở Myanmar với diện tích lên đến 116km2, điểm sâu nhất là gân 4m và độ sâu trung bình của hồ là 1,5m.
Bình minh trên hồ Inle
Đời sống nguyên sơ thật sự có sức hấp dẫn du khách khắp nơi tìm đến thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ Inle. Đi đến giữa hồ, thuyền chở chúng tôi chạy chậm và dừng lại để mọi người có thể chụp ảnh người dân địa phương đánh bắt cá trên hồ, một hình ảnh đẹp được ngành du lịch Myanmar quảng bá trên các tấm thiệp. Du lịch trên hồ Inle cũng giống như du lịch trên sông nước ở Việt Nam, nhưng điểm khác nhau cơ bản ở hồ Inle là môi trường hoàn toàn sạch, không hề bị ô nhiễm.
Thuyền chầm chậm để khách nhìn ngắm hai bên bờ, nơi được xem là làng trồng rau xanh của người dân bản địa. Những khu vườn rau xanh giữa hồ được kết lại bằng rễ lục bình, tảo biển và sản xuất theo lối thủy canh, hoàn toàn không có thuốc trừ sâu.
Đánh bắt cá trên hồ Inle
Dân cư thưa thớt và tập trung quanh hồ bởi các làng nghề truyền thống. Chúng tôi đi tham quan làng nghề sen. Ở đây, người dân dệt vải từ nguyên liệu có một không hai trên thế giới, họ lấy tơ từ trong cọng sen để kéo sợi và dệt thành vải. Theo một tài liệu cho biết, cứ 8000 cọng sen sẽ dệt được một tấm vải ngang 0,6m và dài 2m với giá bán đến cả trăm đô la Mỹ.
Thêm một ngày tham quan hồ Inle, chúng tôi dành thời gian đi tìm hiểu và tiếp xúc với những phụ nữ của tộc người cổ dài Padaung. Đây là tộc người vẫn còn sinh sống tại khu vực sát biên giới Myanmar và Thái Lan. Chúng tôi chỉ gặp ba người phụ nữ cổ dài tại một làng nghề, trông họ sinh hoạt bình thường, không hề vướng víu. Họ vui vẻ và thân thiện, sẵn lòng chụp ảnh với các du khách, sau đó lại tiếp tục công việc kéo sợi, dệt vải.
Thiếu nữ Myanmar
Tác giả cùng ba phụ nữ bộ tộc Kazan.
Phụ nữ Myanmar ăn mặc giản dị và cách trang điểm khá đơn giản, hầu hết phụ nữ xứ này đều dùng bột bôi mặt thanakha, được mài ra từ cây cùng tên để dưỡng da và chống nắng. Thoạt đầu nhìn hơi lạ, nhưng suốt mấy ngày du lịch nơi này, chúng tôi lại xem đó là một nét duyên dáng, dễ thương của các cô gái Myanmar.
Quanh hồ Inle cũng có những ngôi chùa linh thiêng được xây cất từ nhiều thế kỷ trước. Đáng kể là chùa Phaung Daw Oo, điểm tập hợp sinh hoạt của cộng đồng dân cư quanh vùng của hồ Inle. Ngôi chùa này có 5 tượng Phật được dát vàng phủ kín mà người dân địa phương đều tỏ lòng thành kính khi đến viếng. Trong ngôi chùa này cũng trưng bày một số ảnh Tổng thống và các tướng lĩnh cao cấp Myanmar từng đến chùa hành lễ.
Một ngôi chùa soi bóng xuồng hồ Inle. Ảnh: Vân Anh
Myanmar có tổng diện tích 678 ngàn km2, lớn nhất ở Đông Nam Á và xếp thứ 40 trên thế giới về diện tích. Nhiều tiềm năng của Myanmar chưa được khai phá, trong tương lai gần đất nước này chắc chắn tiến xa hơn. Ấn tượng về Myanmar sau chuyến du lịch bụi của chúng tôi đó là những người dân hiền hòa, cởi mở. Trong mua bán, giao tiếp với du khách họ luôn giữ thái độ nhã nhặn, tươi cười cho dù khách chỉ hỏi giá để biết hoặc lục tung hàng hóa, rồi không mua món nào cả.
Nhận xét & Bình luận