-->

Thư viện hình ảnh

Lễ chùa tại Shwedagon (Myanmar)


Không có gà luộc, lợn quay. Không có tiền lẻ giắt đầy chân tượng phật. Không có chuyện đốt nghi ngút vàng mã. Cũng không có cảnh chen lấn, người sau chắp tay vái... lưng người đằng trước, rì rầm cầu lợi, cầu vinh... Đi lễ chùa ở đất Myanmar dường như có nhiều điểm khác bên mình. 


Chân trần cho lòng thảnh thơi

Nói Myanmar là đất nước của chùa chiền, không sai. Cho dù không ai mất công đi đếm - xem Thái Lan, Campuchia hay Myanmar - nơi nào nhiều chùa hơn cả. Thế nhưng, thái độ của người dân với nơi tôn nghiêm cũng là nét đặc biệt. Một cách tự giác, người dân Myanmar vào chùa hay vào những nơi được cho là linh thiêng đều ăn mặc nghiêm túc và bỏ dép ở ngoài, đi chân trần vào trong, bất kể thời tiết nóng lạnh, bất kể người vào viếng chùa là nguyên thủ quốc gia hay người hành khất. 

Hồi cuối năm 2012, ông Barack Obama trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ thăm Myanmar. Hình ảnh ông Obama cùng Ngoại trưởng Mỹ lúc ấy là bà Hillary Clinton đi chân trần viếng chùa Vàng Shwedagon được truyền thông thế giới đánh giá là dấu son trong quan hệ hai nước.

Lại nói về chùa Vàng Shwedagon nằm ở trung tâm Yangon, cách công trường đang xây dựng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Việt Nam) không xa. Đến Myanmar, không ghé chùa Vàng coi như chưa đến Myanmar. Chùa Vàng đúng là được dát bằng... vàng. 

Chùa Vàng Shwedagon cao 98 mét và người ta nói rằng, để chùa này rực rỡ đến thế thì tổng khối lượng vàng để dát là 60 tấn. Thế nhưng, chùa Vàng trở nên linh thiêng không phải vì vàng, mà còn vì là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Để giữ cho Shwedagon là duy nhất, khi xây dựng “bản sao” của chùa Vàng tại thủ đô mới Nay Pyi Taw (cách Yangon khoảng 400km), người ta đã làm ngọn tháp ở đây thấp hơn 3 mét so với chùa Vàng Shwedagon ở Yangon. Tới đây, người nước ngoài phải mua vé vào cửa, 8 USD/lượt. Nền Shwedagon rất sạch, tới mức, nếu mặc quần trắng, bạn có thể mạnh dạn ngồi lên bất cứ chỗ ngồi quy định nào. Shwedagon lúc nào cũng đông người viếng chùa, nhưng không hề lộn xộn. 

Đi rất nhẹ trên đôi chân trần, bạn sẽ cảm nhận sự sạch sẽ, mát nhẹ thấm dưới gan bàn chân. Lễ vật dâng cúng thật đơn giản: Chủ yếu là hoa: Lài, sen, cúc, hồng. Thỉnh thoảng, người ta cũng cúng bằng lễ vật rất tự nguyện: Chẳng hạn, một bát sen được dát bạc, dát vàng. Trong một số dịp quan trọng, người Myanmar còn hiến vàng và trang sức lên chùa để cầu sự bình an.
Du khách có thể tự hiến vàng bằng cách mua những lá vàng mỏng, diện tích chưa đến 4cm2, giá khoảng 500 kyat (10.000 đồng). Những lá vàng ấy, du khách có thể tự dát vào bất kỳ chỗ nào ở chùa Vàng để mong sự bình an.

Sống chậm, nhưng không tụt lại

Ở chùa Vàng Shwedagon tại Yangon hay trong những ngôi chùa nổi tiếng nằm trên đồi Sagaing - cố đô của Myanmar, cách Yangon 700 km - đều cảm nhận được sự thành kính. Đường lên đỉnh đồi Sagaing với hàng trăm ngôi chùa và học viện Phật Giáo. Nhưng chính ở những nơi con người tưởng chừng phải sống chậm, vẫn thấy mạch sống cuồn cuộn chảy: Bên này, các nữ tu áo hồng đang lúc tan học quây quanh một xe kem, bên kia là một đội bóng của các sư nam nhỏ tuổi say mê quần bóng.
Người Myanmar đến chùa cầu gì? Những đôi vợ chồng hiếm muộn mua những lá vàng dát lên tượng ở Shwedagon để mong sớm có con bồng bế. Hoặc đôi khi, gia đình có chuyện buồn thì lên chùa, ở đó đã có những nhà sư hiểu biết sẵn sàng chia sẻ...

Tôi hỏi một người bạn Myanmar rằng, ở đây, họ có cầu tài cầu lộc, cầu được lên chức to hơn, nhà nhiều tiền hơn? Anh bạn cười: “Người Myanmar tự nguyện hiến vàng và trang sức lên chùa chằng nhẽ để cầu sự giàu có? Chúng tôi tìm sự an lành, tìm sự tĩnh tâm để được nhận phúc đức. Sự bình an, tôi nghĩ còn quý hơn chức tước, tiền bạc...”.

Trở lại chùa Vàng Shwedagon, nhiều người sẽ khá ngạc nhiên khi thấy tại chùa có nhiều điểm truy cập internet miễn phí. “Wifi Chùa” theo đúng nghĩa. Lúc đầu cứ tưởng những điểm wifi là để cho du khách vào internet, đưa hình lên... facebook. Nhưng không, hình ảnh những nhà sư hý hoáy dùng smartphone không hiếm. Tuy vậy, wifi cũng không chỉ để sư dùng. 

Tôi mua một chuỗi vòng tay được kết bằng các loại hạt khô ngay tại cây cầu gỗ U Bein có tuổi đời 1.500 tuổi ở cố đô Mandalay. Cây cầu nổi tiếng với những chiều hoàng hôn đẹp nhất thế giới ấy mỗi ngày chứng kiến hàng ngàn nhà sư chân trần đi qua. Và thật kỳ lạ, chuỗi vòng được bán ở nơi thấm đẫm không khí Phật giáo khi về Việt Nam một vài hạt khô đã tách vỏ, nảy mầm...

Đặt Tour:

Nhận xét & Bình luận