-->

Thư viện hình ảnh

Hướng dẫn đi lại trong Kuala Lumpur


Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe bus phủ khắp thành phố, số tuyến dày đặc, rất tiện lợi cho du khách.

Giao thông ở thủ đô Kuala Lumpur rất thuận tiện cho khách du lịch khám phá thành phố nhờ hệ thống phương tiện công cộng dày đặc, chi phí hợp lý. Tùy thuộc vào quãng đường và nơi ở, bạn có thể lựa chọn cho mình một loại hình phù hợp nhất, với điều kiện duy nhất là có tấm bản đồ hoặc phần mềm dẫn đường trong điện thoại.

Các trạm dừng, bến xe chính

KL Sentral

KL Sentral là đầu mối giao thông quan trọng nhất tại thủ đô Kuala Lumpur, là nơi trung chuyển, điểm dừng đỗ của tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố, bao gồm: xe bus, đường sắt nội đô, đường sắt liên tỉnh. Tại đây, bạn có thể tìm được rất nhiều thông tin hữu ích về các địa điểm tham quan trong thành phố, các tour du lịch trong phạm vi toàn Malaysia. Hầu hết các chuyến xe bus hay tàu điện từ sân bay KLIA (sân bay quốc tế Kuala Lumpur) hay LCCT (sân bay giá rẻ của Air Asia) khi về đến thành phố đều dừng đỗ tại đây.


Chiều ngược lại, khi muốn lên sân bay, bạn có thể mua vé dễ dàng từ các hãng xe như Skybus, Aerobus ngay tại các quầy hay từ người bán vé lên xe tại bến dưới hầm. Thậm chí, đối với hành khách của một số hãng hàng không như: Malaysia Airlines, Cathay Airlines và Royal Brunei Airlines, họ còn có thể check-in hành lý ngay tại đây. Hành khách phải tới ít nhất trước 2h khi máy bay cất cánh.

Pudu Station

Puduraya (hay còn gọi là Pudu station) là bến xe bus nằm ngay trong trung tâm thành phố, chỉ cách khu phố Tàu China Town 100m, Central Market 300m và cách bến LRT (tàu điện ngầm) 50m.

Tại đây, bạn có thể mua vé tới hầu hết những địa danh nổi tiếng trên khắp Malaysia, trong đó có cao nguyên Genting, Cameron, Melaka... Đội ngũ nhân viên tư vấn đứng khắp nơi trong bến xe để trợ giúp khách hàng kịp thời nhất. Nhiều khách vô tình nhầm lẫn họ giống như đội ngũ "cò mồi" ở Việt Nam nên ban đầu khá e dè nhưng ngay sau đó đã rất thích cách phục vụ tận tình này.

Có rất nhiều hãng xe đặt phòng vé tại đây, các mức giá được đưa ra giữa các hãng này không chênh lệch nhau là mấy. Ngoài ra, để tới sân bay KLIA và LCCT, bạn cũng có thể mua vé tại đây.

Bandar Tasik Selatan (TBSBTS) 

Trạm dừng Bandar Tasik Selatan là điểm dừng cuối cùng của các chuyến xe bus đến từ miền Nam, nằm tại đường Middle Ring Road 2. Tại đây, khách có thể chọn sử dụng các dịch vụ của KLIA Transit, KTM Komuter, RapidKL LRT hoặc taxi.


Bến xe này có tới 60 cửa hàng lớn nhỏ, bàn các loại đồ ăn, nước giải khát, đồ lưu niệm và quà tặng dành cho du khách trong thời gian chờ đợi. Ngoài ra, các cửa hàng thời trang xếp cạnh nhau cũng trở thành một điểm mua sắm khá hấp dẫn. Bất khi nào cần yêu cầu trợ giúp hay kiểm tra thông tin, bạn có thể nhờ đến các nhân viên ngồi tại quầy hoặc tại các màn hình thông tin có chức năng cảm ứng.

Hentian Putra

Đây cũng là một trạm trung chuyển xe bus của thủ đô KualaLumpur, nằm tại đường trung tâm Jalan Tun Ismail. Cũng giống như các bãi xe khác, ngoài mua vé xe, du khách cũng có thể tham khảo các thông tin du lịch, mua sắm hoặc thuê chỗ đỗ xe.

Các phương tiện

LRT

LRT (Light Rail Transit) là loại hình tàu điện ở Kuala Lumpur, với 2 tuyến chính là LRT Kelana Jayavà LRT Ampang Line. 

LRT Kelana Jaya, trước đây gọi là Putraline, dài 29km, là hệ thống tàu điện ngầm tự động dài thứ 2 thế giới. Đây cũng là hệ thống tàu điện ngầm dài nhất châu Á, kéo dài từ Putra ở Gombak tới Kelana Jaya ở Petangling Jaya. Tuyến này dừng tổng cộng 24 điểm, đi qua các kiểm du lịch nổi tiếng như Central Market, khu China Town, tháp đôi Petronas...

LRT Ampang Line không phải tuyến tàu tự động mà có người lái, điều khiển trên chiều dài toàn tuyến là 27km, đi từ Sentul Timur tới Ampang và Sri Petaling. Khi tới trạm trung chuyển Chan Sow Lin, hành khách lên sân ga 2A và chọn 1 trong 2 đích đến cuối cùng là Ampang hoặc Sri Petaling. Tuyến này ít được du học sinh hoặc du khách lựa chọn bởi không đi qua các trung tâm mua sắm lớn.

KL Monorail

Monorail là loại hình tàu điện trên cao một đường ray khá phổ biển ở Malaysia, với quãng đường 8,6km, chạy qua 11 trạm. Tuy có chiều dài khá khiến tốn nhưng tuyến này rất được du khách sử dụng bởi chúng kết nối các khách sạn lớn, khu đông dân cư với KL Sentral, trung tâm thương mại và du lịch của thành phố. Điểm khởi hành của Monorail cách nhà ga KL Sentral 100m đi tới Titiwangsa. Trung bình 5 phút lại có một chuyến nên khá tiện lợi.


Trong đó có các bến quan trọng là Maharajalela (gần China Town), Bukit Bintang (khu mua sắm lớn nhất thủ đô), Hang Tuah (điểm trung chuyển tàu)...

Ngoài việc đi lại thuận tiện, tuyến tàu này đi xuyên qua khu trung tâm nên du khách có thể ngắm phong cảnh hai bên đường nếu chọn được chỗ ngồi gần cửa sổ.

KTM Komuter

KTM Komuter là loại hình tàu hỏa, hoạt động với 2 tuyến chính là Tanjung Malim - Sungai Gadut và Batu Caves - Pelabuhan Klang; kết nối các thị trấn ngoại ô thành phố như Tanjung Malim, Rawang, Seremban, Sungai Gadut và Pelabuhan Klang với trung tâm thành phố. Với loại hình này, bạn có thể tới thăm động Batu, cách thành phố khoảng 13 km. Dọc hai bên đường là nhiều điểm đến hấp dẫn như khu phố Tàu, khu tiểu Ấn, khu Mid Valley... 

Các tuyến tàu, bao gồm cả LRT và MRT thường bắt đầu chạy từ 6h sáng tới 12h đêm, có thể mua vé lẻ hoặc làm thẻ tại các bến. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian tới hoặc rời bến cuối cùng nên cần chú ý thời gian tàu qua bến mình cần xuất phát.

Bus

Xe bus ở Kuala Lumpur được chia làm 6 khu vực với các tuyến chuyên biệt. Trong đó khu vực 1: chạy trong khu trung tâm; khu vực 2: chạy ở phía Bắc thành phố, đi qua động Batu; khu vực 3: chạy ở phía Đông thành phố, qua Ampang; khu vực 4: chạy ở phía Đông Nam, qua Putrajaya; khu vực 5: chạy ở phía Nam; khu vực 6: chạy ở phía Tây Nam, qua Subang.
Bạn có thể tra các điểm dừng đỗ, vé tàu, cách thức mua vé tại trang web myrapid.com.my.

Taxi

Có rất nhiều khuyến cáo khách du lịch về taxi ở Kuala Lumpur, rằng chỉ nên dùng loại phương tiện này khi thực sự không còn sự lựa chọn nào khác, hoặc nên lên xe của những bác tài gốc Hoa hoặc người Mã (có nước da sáng) để tránh bị chặt chém...

Trên thực tế, taxi ở Kuala Lumpur không đáng sợ như bạn vẫn nghĩ. Có điều, nếu so sánh về giá cả thì loại hình này khá đắt đỏ. Bạn nên cân nhắc kỹ ngân sách của mình và nhất thiết phải trả giá trước khi xe chạy để không gặp phải tình huống dở khóc dở cười với các tài xế. Thông thường, giá mở cửa của taxi ở Kuala Lumpur rơi vào khoảng 3 RM (gần 20.000 đồng, gấp rưỡi ở Việt Nam).

City tour KL Hop on Hop off

Đây là dạng city tour, đi qua 40 danh thắng và dừng tại 22 bến trong suốt chuyến hành trình kéo dài 24h hoặc 48h. Du khách có thể chủ động lựa chọn lịch trình, thời gian dừng đỗ phù hợp với bản thân mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch. Trên xe có hướng dẫn bằng 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha nên khá thuận tiện cho khách du lịch nước ngoài.


Xe hoạt động từ 8h30 sáng đến 8h30 tối hàng ngày, kể cả ngày lễ. Khi mua vé, khách sẽ được bấm lỗ đánh dấu giờ lên xe. Từ thời điểm đó, bạn có 24h hoặc 48h (tùy vào loại vé bạn mua) tham quan khám phá thành phố theo lịch trình của xe, không giới hạn số lần lên xuống.

Những điểm dừng không thể bỏ qua trên hành trình: tháp đôi Petronas, Aquaria KLCC, tháp Kuala Lumpur, Quảng trường Merdeka, Central Market, Little India, China Town, công viên Lake Garden, Orchird Garden, Berjaya Times Square, phố đi bộ Bukit Bintang, trung tâm thương mại nổi tiếng Pavilion, Cung điện Hoàng gia...

Có hai loại vé: loại 24h với giá 45 RM (khoảng 300.000 đồng) và loại 48h với giá 79 RM (khoảng 550.000 đồng). Trẻ em dưới 5 tuổi được miễn phí hoàn toàn, từ 5 đến 12 tuổi phải trả một nửa tiến vé còn trẻ em trên 12 tuổi được tính như một người lớn. Bạn có thể mua từ người soát vé khi xe dừng tại bến, đặt mua qua mạng hoặc qua đại lý ủy quyền.

Đặt Tour:

Nhận xét & Bình luận